Thực trạng - thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của quy định Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp

Cập nhật: 19/12/2024   Lượt xem: 2,106

Atailieu.com xin tổng hợp Thực trạng- thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của quy định Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Thực trạng (thành tựu, hạn chế, nguyên nhân) được nêu trong quy định Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Nghị quyết Trung ương 8 khóa 12, như sau:

Thành tựu nêu trong quy định Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp

  • Cấp ủy các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nội dung các quy định trên đến đội ngũ cán bộ, đảng viên.
  • Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã hướng dẫn cán bộ, đảng viên đăng ký thực hiện trách nhiệm nêu gương; chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc bổ sung nội dung nêu gương vào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy. Qua đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm nêu gương; xây dựng bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, làm căn cứ kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên hằng năm.
  • Nhìn chung, việc thực hiện các quy định về nêu gương đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, hành động và đạt được một số kết quả tích cực, tạo động lực cho cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu đã thể hiện rõ hơn. Đã xuất hiện một số phong trào, mô hình mới, cách làm hay. Việc thực hiện các quy định đã góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.
  • Thông qua thực hiện các quy định về nêu gương, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tiến hành sơ kết, đánh giá, khẳng định những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, công tác lựa chọn, tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu về thực hiện trách nhiệm nêu gương đã được nhiều cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành thông qua việc bầu chọn từ cơ sở.

Hạn chế nêu trong quy định Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp

Thứ nhất, công tác quán triệt, triển khai, thực hiện các quy định nêu gương vẫn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Việc thực hiện các quy định nêu gương chưa đi vào chiều sâu, chưa tạo được sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, một số cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu, thậm chí cả Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị chưa thể hiện vai trò tiền phong, gương mẫu. Trong số cán bộ bị kỷ luật, chủ yếu do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, các quy định của Đảng, Nhà nước và công tác cán bộ; ban hành chủ trương, nghị quyết về đầu tư; góp vốn, chỉ định thầu, cổ phần hóa; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát; tham nhũng, lợi ích nhóm; vụ lợi, ưu ái, vun vén cho gia đình; không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực.

Thứ ba, vẫn còn tình trạng vi phạm quy chế làm việc của cấp ủy; thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm nêu gương. Tinh thần, trách nhiệm của nhiều cán bộ, đảng viên trong tự phê bình và phê bình chưa cao, chưa mạnh dạn, chưa thẳng thắn, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không dám nhận khuyết điểm, sai phạm của mình.

Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định nêu gương của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thường xuyên, nghiêm túc, chủ yếu lồng ghép với kiểm tra, giám sát các nghị quyết, quy định, chỉ thị khác.

Thứ năm, công tác sơ kết, đánh giá việc thực hiện quy định nêu gương còn nhiều hạn chế. Hằng năm không có báo cáo riêng về thực hiện trách nhiệm nêu gương. Việc phát hiện, xây dựng gương người tốt, việc tốt và tổng kết mô hình mới, cách làm hay để nhân rộng và biểu dương, khen thưởng chưa được kịp thời.

Nguyên nhân nêu trong quy định Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp

Một là, công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền thực hiện các quy định về nêu gương chưa đầy đủ, kịp thời, phù hợp; nhận thức của cán bộ, đảng viên về trách nhiệm nêu gương còn hạn chế.

Hai là, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu, cán bộ cao cấp, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị chưa nêu cao ý thức trong việc nêu gương; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức của Đảng; thiếu tu dưỡng, rèn luyện; sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Ba là, một số cấp ủy, người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định nêu gương. Việc cụ thể hóa nội dung quy định còn chậm; còn thụ động, trông chờ vào chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.

Bốn là, chưa phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong thực hiện nêu gương.

Năm là, các nội dung nêu gương chưa được quy định rõ cho các đối tượng khác nhau, nhất là đối với Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.


Trên đây là tổng hợp Thực trạng- thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của quy định Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của Nghị quyết Trung ương 8 khóa 12. Chúc bạn làm bài thu hoạch học tập Nghị quyết thành công!

Bạn có thể tham khảo thêm: